Lượt xem: 490

Mô hình tôm - lúa “thuận thiên” thích ứng biến đổi khí hậu

Sản xuất “thuận thiên”, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển “kinh tế tuần hoàn” theo hướng “tăng trưởng xanh” đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 120/NQ-CP/2017 của Chính phủ và tiếp đó là Nghị quyết số 13/NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó mô hình tôm - lúa được xem là tiêu biểu và điển hình. Để rõ hơn về vai trò, vị trí, giá trị và phát huy thế mạnh của mô hình này, cộng tác viên Trang thông tin điện tử tổng hợp Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng.

 


Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng. Ảnh: Thúy Liễu

 

    * Xin đồng chí thông tin cơ bản về mô hình tôm - lúa tại tỉnh Sóc Trăng? Có những cách làm hay hoặc những sáng kiến đột phá nào trong nâng cao mô hình, nhất là nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm?

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Mô hình tôm - lúa hình thành từ những năm 1995 khởi đầu là mô hình nuôi quảng canh truyền thống, sau đó là mô hình nuôi quảng canh cải tiến trên đối tượng là tôm sú, sau đó dần chuyển qua luân canh tôm thẻ, tôm càng xanh - lúa và trồng màu trên bờ bao. Mô hình chủ yếu tập trung ở huyện Mỹ Xuyên với diện tích trồng lại lúa trên nền đất nuôi tôm (tôm - lúa) khoảng 7.000 - 10.000 ha trên diện tích 17.700 ha nuôi tôm nước lợ.

    Để nâng cao hiệu quả của mô hình tôm - lúa, trong thời gian qua các ngành chuyên môn cũng đã ban hành sổ tay kỹ thuật, hướng dẫn người nuôi sản xuất đạt hiệu quả cao về con tôm lẫn cây lúa. Ban hành lịch thời vụ luân canh con tôm và cây lúa hằng năm, nhằm đảm bảo diện tích thả tôm và cả diện tích xuống giống lúa. Nghiên cứu tìm ra các giống lúa có sức chống chịu biến đổi khí hậu, chịu mặn cao thích ứng cho mô hình tôm - lúa. Cụ thể giống gạo ST24 đã lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017 và giống gạo ST25 đã đạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2019 được trồng trên vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên, góp phần nâng cao thương hiệu gạo ngon, cũng như nâng cao giá trị của mô hình tôm - lúa tại nơi đây.

    * Những thách thức, khó khăn nào trong thực hiện triển khai mô hình tôm - lúa, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gặp phải, thưa đồng chí?

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Mặc dù mô hình này đã được xác định là mô hình sinh kế bền vững; tái tạo lại môi trường đất và nước, hệ vi sinh vật có lợi cho môi trường; cân bằng hệ sinh thái, giúp cho việc nuôi tôm ở vụ kế tiếp được thành công hơn và giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an ninh lương thực tại chổ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây mô hình này ngày càng bị mai một. Địa phương chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi, hỗ trợ đối với chuỗi giá trị tôm - lúa từ đầu vào cho đến đầu ra và xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, gắn kết với thị trường tiêu thụ. Sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến khó lường; dịch bệnh tiềm ẩn, phức tạp; chi phí đầu vào tăng trong khi giá đầu ra còn chưa ổn định, tình trạng “được mùa, mất giá“ xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng sản xuất của người dân. Quy mô mô hình còn nhỏ lẻ, rời rạc, không liền kề mà xen kẻ với các ao nuôi chuyên tôm; thiếu sự liên kết, hợp tác, khả năng cạnh tranh chưa cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất như: Thủy lợi, giao thông nông thôn chưa đồng bộ...

    * Xin đồng chí chia sẻ thêm về định hướng và giải pháp chiến lược thực hiện mô hình tôm - lúa của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong việc phát huy giá trị kinh tế và giá trị gia tăng con tôm, cây lúa từ mô hình sinh thái độc đáo, giàu lợi thế cạnh tranh này.

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Để phát huy mô hình tôm - lúa, thì không những nâng cao giá trị con tôm mà còn phải nâng cao giá trị hạt lúa (điển hình là chuỗi giá trị). Cần phát huy và mở rộng chuỗi giá trị trên một quy mô lớn và tạo ra một lượng sản phẩm chất lượng lớn gắn với tiêu thụ đầu ra. Từ đó, có nhiều cơ hội để xây dựng uy tín và khẳng định thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đặc trưng của vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ lợi ích của mô hình tôm - lúa (lợi ích về mặt môi trường, nâng cao thu nhập cho hộ dân).

    Rà soát quy hoạch, trong đó chú trọng xác định rõ vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh, vùng luân canh tôm - lúa để tránh tình trạng tự phát không theo quy hoạch, khó kiểm soát. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống điện, thủy lợi, giao thông để phục vụ phát triển sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, cơ giới hóa từng khâu trong sản xuất mô hình tôm lúa. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm - lúa, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế cho vùng nuôi theo yêu cầu của nhà nhập khẩu như tiêu chuẩn ASC, Global GAP, tôm hữu cơ... để nâng cao giá trị mô hình tôm lúa.

Thúy Liễu (Thực hiện)



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 75
  • Hôm nay: 1467
  • Trong tuần: 70,800
  • Tất cả: 11,864,827